CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)
CHÙA SROLÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)

Giới thiệu

Giá: Miễn phí

Số điện thoại: 0

Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút

Mở cửa: 7:00 SA - Đóng cửa: 6:00 CH

Email: xtdulichsoctrang@gmail.com

Địa chỉ: Ấp Đại Thành, Xã Đại Tâm, Huyện Mỹ Xuyên, Tỉnh Sóc Trăng

Chùa Srolôn, một trong những ngôi cổ tự có nét kiến trúc độc đáo, nằm ở phía Bắc quốc lộ 1A thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12km về hướng Bạc Liêu. Phía đông giáp với Phường 10 (thành phố Sóc Trăng); Phía Tây giáp với xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên); Phía Nam giáp với xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên); Phía Bắc giáp với xã Phú Mỹ (Mỹ Tú). Khí hậu nơi đây được phân hóa thành 02 mùa mưa nắng rõ rệt, có tổng diện tích tự nhiên là 2.594,86 ha, là vùng đất cát giồng của địa danh Mỹ Xuyên. Trong bài hát Sóc sờ bai Sóc Trăng có câu “Về Đại Tâm thăm người bạn Khmer, nghe hát Dù kê và điệu múa lâm thôn...” Bởi nơi đây người Khmer sinh sống khá đông cùng với dân tộc Kinh - Hoa anh em, không những thế Đại Tâm còn có nhiều thế mạnh phát triển về du lịch, đó là nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer và món ăn đặc sản “Bánh cống Đại Tâm”...      Đại Tâm là xã có đông người Khmer sinh ... Xem thêm

Bản đồ

Giới thiệu

×

Chùa Srolôn, một trong những ngôi cổ tự có nét kiến trúc độc đáo, nằm ở phía Bắc quốc lộ 1A thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12km về hướng Bạc Liêu. Phía đông giáp với Phường 10 (thành phố Sóc Trăng); Phía Tây giáp với xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên); Phía Nam giáp với xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên); Phía Bắc giáp với xã Phú Mỹ (Mỹ Tú). Khí hậu nơi đây được phân hóa thành 02 mùa mưa nắng rõ rệt, có tổng diện tích tự nhiên là 2.594,86 ha, là vùng đất cát giồng của địa danh Mỹ Xuyên. Trong bài hát Sóc sờ bai Sóc Trăng có câu “Về Đại Tâm thăm người bạn Khmer, nghe hát Dù kê và điệu múa lâm thôn...” Bởi nơi đây người Khmer sinh sống khá đông cùng với dân tộc Kinh - Hoa anh em, không những thế Đại Tâm còn có nhiều thế mạnh phát triển về du lịch, đó là nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer và món ăn đặc sản “Bánh cống Đại Tâm”...

     Đại Tâm là xã có đông người Khmer sinh sống, chiếm 84% dân số của xã. Đối với người Khmer thì chùa luôn luôn gắn liền với đời sống tín ngưỡng cũng như trong sinh hoạt đời thường của họ. Xã Đại Tâm hiện nay có 03 ngôi chùa của người Khmer đó là Chùa Srolôn; chùa Trà Tim Giữa (Chrôi - Tưm - Kandal); chùa Trà Tim Mới (Chrôi - Tưm - Thmây hay Anh - Tas - Kôo - Sây). Trong đó chùa Srolôn là một trong những công trình có lối kiến trúc độc đáo, đây có thể xem là một kiệt tác về sự sáng tạo của người tạo dựng nên ngôi chùa này. Ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, chùa Srolôn còn là nơi đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer thông qua các ngày lễ hội chính hàng năm. Bên cạnh đó xã còn có một số công trình tôn giáo tín ngưỡng khác như 01 nhà nguyện Công giáo, 01 Miếu người Hoa và 02 nhóm đạo Tin Lành hoạt động tại ấp Đại Chí và ấp Tâm Phước.

     Chùa Srolôn được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2012.

     Chùa Srolôn có tên gọi Khmer đầy đủ: Wath Sê Rây Sóc Khum Song Kum Miên Chi Srolôn. (Theo lời kể của các vị trụ trì trước đó giải thích về tên gọi của chùa như sau: Chùa Srolôn trước đây có tên là Chrua Luông vì phía trước chùa có con kênh chạy dài từ Sóc Trăng hướng tới Bạc Liêu, chữ “Chrua Luông” là tên gọi của con kênh đó).

     Đối với người Khmer thì ngôi chùa Phật giáo Nam tông đã ăn sâu vào tâm hồn của họ, chùa mang một tình cảm sâu sắc bởi vì đó là nơi thờ Phật, nơi gởi cốt của tổ tiên. Chùa không những là biểu tượng tinh thần của cộng đồng phum sóc, mà đối với từng người, việc chăm sóc, xây dựng chùa là công việc tích đức. Cho nên đồng bào Khmer nói chung và người dân ở xã Đại Tâm nói riêng đã đóng góp của cải, công sức xây dựng ngôi chùa. Có thể nói ở đâu có người Khmer sinh sống thì ở đó chắc chắn sẽ có ngôi chùa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ Phật tử.

     Chùa Srolôn từ những ngày đầu hình thành cho đến nay, đã được xây dựng tại nhiều địa điểm khác nhau.

     Điểm thứ nhất, trải qua 04 đời trụ trì và không rõ chính xác địa điểm và thời gian xây dựng vào ngày tháng năm nào.

     Điểm thứ hai, chùa được xây dựng vào năm 1815 tại địa điểm hiện nay, do Hòa thượng Thạch Em làm trụ trì. Hòa Thượng đã dẫn dắt các Phật tử bổn sóc xây dựng các công trình của chùa như ngôi chánh điện, sala, trường học. Do sức khỏe yếu Hòa thượng đã mất ở “tuổi hạ 35” các công trình lúc đó chủ yếu làm bằng tre, lá đơn sơ chưa được hoàn thiện.

     Sau năm 1850, Hòa thượng kế tiếp có pháp danh: Thạch Ék lên làm trụ trì tiếp tục xây dựng chùa. Cố Hòa thượng Thạch Ék chỉ trụ trì được 30 hạ (từ 1850 - 1880).

     Vị Hòa thượng kế tiếp lên thay vào năm 1880 có pháp danh Lâm Chia, ông tiếp tục tu sửa, xây dựng chùa. Ông cũng là người có công lớn như lập ra được một đội nhạc Ngũ âm cho chùa, giảng dạy văn hóa tín ngưỡng cho Phật tử và các sư trong chùa. Hòa thượng Lâm Chia trụ trì được 33 hạ (1880 - 1913). Kế tiếp là Hòa thượng Danh Hoc, cũng tiếp tục tu sửa, giảng dạy Phật tử bổn sóc, Hòa thượng trụ trì được 32 hạ (1913 - 1945).

     Từ năm 1945 Phật tử bổn sóc mới họp nhau lại quyết tâm thỉnh mời Hòa thượng Tăng Dúch ở chùa Bãi Xàu về làm trụ trì để giữ gìn xây dựng chùa và dẫn dắt các vị sư bổn sóc. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự đóng góp của bà con Phật tử thập phương, sư sãi, Hòa thượng trụ trì Tăng Dúch đã tiến hành xây dựng ngôi chính điện vào năm 1945, do quá trình xây dựng khang hiếm gạch men, một phần kinh phí còn hạn chế, Hòa thượng và các nghệ nhân sáng tạo bằng cách sử dụng các mảnh gạch men loại nhỏ kết hợp với những mảnh chén, tô, dĩa kiểu vỡ để trang trí và chùa có tên là “Chén kiểu” được gọi cho đến bây giờ.

     Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giai đoạn 1968 - 1972, chùa còn là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng. Hòa thượng đã vận động các Phật tử, sư sãi tham gia biểu tình và còn khuyên những người lính theo giặc bỏ súng trở về chùa tu được 157 người. Hòa thượng Tăng Dúch mất năm 1985.

     Sau đó Hòa thượng Quách Mến ở chùa Bãi Xàu về làm trụ trì. Được Phật tử thập phương kể cả trong và ngoài nước có lòng hảo tâm đóng góp tiền của nên Hòa thượng tiếp tục bắt tay xây dựng tu sửa các công trình còn lại của chùa. Qua 4 năm từ 1985 - 1989 chùa đã được xây dựng xong và tổ chức làm lễ khánh thành vào năm 1989 (Phật lịch 2532).

     Sau ngày khánh thành, Hòa thượng Quách Mến còn cho xây dựng thêm một số công trình như: cột cờ, nhà tam bảo. Năm 2005 Hòa thượng hiến 2000m2 đất để xây dựng trường học Đại Tâm I đạt tiêu chuẩn quốc gia. Năm 2011 Hòa thượng viên tịch,  thọ được 88 tuổi. Sau khi Hòa thượng Quách Mến viên tịch, Hòa thượng Lâm Sà Phel lên thay, đến cuối năm 2016 là Đại đức Kiêm Hoàng Hưng làm trụ trì đến nay.

     Như vậy, chùa Srolôn tính từ khi hình thành cho đến nay đã có trên hai trăm năm và trải qua 11 đời trụ trì.

     Người Khmer Sóc Trăng hầu hết theo Phật giáo Nam tông, nên chùa chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca. Người Khmer từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, rồi già và mất, thì mọi buồn vui đều diễn ra ở chùa. Có thể nói chùa là trung tâm văn hóa, nơi học kinh, học chữ, học giáo lý, học đạo lý làm người, nơi lưu giữ các kho kinh điển, nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, giải trí vui chơi, nơi chi phối cả việc đạo lẫn việc đời.

     Ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, chùa Srolôn còn là nơi tổ chức các lễ, hội truyền thống và sinh hoạt của đồng bào dân tộc Khmer hàng năm như: Lễ vào năm mới (Pithi Chôl Chnăm Thmây) còn gọi là “Lễ chịu tuổi”; Lễ cúng ông bà (Pithi Sen Đôn Ta); Lễ cúng Trăng hoặc “Đút cốm dẹp” (Banh Sâm Peah Pres Khe hoặc Ooc om boc). Ngoài các lễ truyền thống kể trên, trong chùa còn tổ chức nhiều lễ khác bắt nguồn từ Phật giáo như: lễ Phật Đản; lễ Ban hành giáo lý; lễ An vị tượng Phật; lễ Nhập hạ; lễ Xuất hạ; lễ Dâng y cà sa…

     Cổng chùa quay mặt ra hướng Bắc (Quốc lộ 1A), có đặt hai con sư tử bằng đá ngồi trên bệ cao với ý nghĩa là tăng thêm sức mạnh và bảo vệ ngôi chùa, trên thành cổng có dòng chữ Khmer và chữ phiên âm Srolôn và chữ Chén Kiểu. Bên trên cổng là 03 ngôi tháp, tháp giữa cao hơn tháp hai bên, được đắp nổi các hình tượng mang tính biểu trưng văn hóa truyền thống Khmer Nam bộ. Trong lòng tháp giữa có một tượng Phật được đặt sau  tấm kiếng.

     Tường rào của chùa được xây dựng và trang trí rất đặc biệt, tường rào sơn màu hồng, vàng, trên mỗi khung hàng rào đắp nổi hình tượng Apsara sơn màu vàng, mỗi bên có 42 thiếu nữ đang múa Apsara. Trên đầu mỗi trụ cột khung của hàng rào được đặt hình tượng vị thần Bốn Mặt, sơn màu vàng.

     Đi qua cổng chùa mỗi bên có 12 tượng Keynor đứng xếp thành hai hàng dọc chào đón du khách. Chính giữa khuôn viên chùa là cột cờ được xây dựng hai bệ, bệ dưới chân cột có 04 thần rắn quay đầu về bốn phương, thân rắn quấn vào thân cột cờ và được sơn màu vàng, xanh. Bệ thứ hai đắp nổi hình hoa văn Khmer và sơn màu vàng, chân cột sơn màu hồng phớt, phía thân trên của cột cờ sơn màu trắng.

     Công trình kiến trúc nổi bật trong quần thể chùa Srolôn là ngôi chánh điện. Chánh điện là nơi thờ phụng Đức Phật Thích Ca nên bao giờ cũng là một công trình kiến trúc đồ sộ nhất, giữ vị trí trung tâm. Ở hướng Tây có cầu thang ở giữa đi lên chánh điện, trước cầu thang có hai cây cột, trên cột đắp hình tượng của hai vị: Uất Trì Cung và Tần Thúc Bảo, thể hiện sự giao thoa văn hóa với người Hoa, xung quanh gắn gạch men được cắt ra từng miếng nhỏ, sau đó ốp vào vách tạo thành những hình tượng và hoa văn rất sinh động. Khác với hướng Tây, ở hướng Đông có hai cầu thang ở hai bên Nam - Bắc đi lên trung tâm chánh điện. Chân nền chánh điện rộng và giật lùi dần về bên trên thành hình tam cấp. Cấp trên cùng là mặt bằng chánh điện hình chữ nhật chạy theo hướng Đông - Tây có chiều dài 29m, rộng 14,5m, cao 20m và quay mặt về hướng Đông. Bởi vì theo quan niệm của người Khmer là Phật ở phương Tây quay mặt về hướng Đông để ban phước cho nên chùa phải theo hướng Đông để hợp với hướng tượng thờ trong chánh điện.

     Chánh điện có hai cửa quay về hướng Đông và hai cửa quay về hướng Tây, ở hướng Nam - Bắc mỗi bên có 06 cửa sổ và hai cửa phụ đi vào chánh điện. Phía trên đầu cửa cái và cửa sổ có đắp nổi hoa văn hình tam giác cân ở giữa có một đầu Reahu hai bên là rồng, rắn, kỳ lân để tạo cho khung cửa không đơn điệu. Phần lan can bằng xi măng có dán gạch men trang trí, mỗi bên hướng Đông - Tây có 06 cột nằm theo hàng ngang và hướng Nam - Bắc có 08 cột nằm theo hàng dọc đều được dán bằng gạch men loại nhỏ. Hành lang xung quanh sân chánh điện lát gạch  men rộng 1,5m.

     Bên trong chánh điện, nền được lát gạch bông, dọc theo chiều dài hai hàng cột tròn, mỗi hàng gồm 06 cột. Bốn cây cột tròn phía Tây ngăn làm gian thờ. Trên gian thờ có hai con rồng lớn được đắp bằng xi măng, phần đuôi rồng quấn vào thân hai cây cột phía sau, phần thân và đầu trườn dài về phía trước tạo thành một gian thờ trông rất đẹp mắt. Râu rồng vươn lên hai cây cột ở phía trước. Miệng và mắt trợn tròn trông rất dữ tợn. Rồng thể hiện sự uy nghi trang nghiêm và bảo vệ nơi thờ tự. Trong gian thờ có chiều cao khoảng 1,5m x 2,3m x 03m là một bệ thờ gồm 27 tượng Phật Thích Ca lớn nhỏ, với nhiều tư thế đứng, ngồi, nằm được bố trí hợp lý, mỹ thuật. Ở trung tâm bệ là một pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đá cao khoảng 1.5m được đặt trên bệ cao khoảng 1,2m. Tượng Phật Thích Ca ngồi chính giữa với tư thế ngồi thiền, phía sau tượng là một vòng tròn tượng trưng cho ánh hào quang, chính giữa có hình hoa sen. Bên phải tượng Thích Ca còn có thêm một tượng Thích Ca với vòng tròn ánh hào quang giống như vậy, riêng tượng Thích Ca nằm bên tay trái có vòng tròn ánh hào quang và ở giữa có một chữ Vạn (chữ Hán). Trước bệ thờ đặt nhiều bông hoa trang trí.

     Tường bao quanh ngôi chánh điện vẽ tranh sơn dầu, kể về truyền thuyết của Phật, giữa trần trang trí hoa văn Khmer, có độ cao 6m. Đối diện với gian thờ chánh điện có một kiệu thờ Phật Thích Ca lúc nhỏ và một tượng Phật Thích Ca ngồi tu ép xác (tượng trưng cho 06 năm khổ hạnh của Đức Phật).

     Kết cấu mái ngôi chánh điện chùa Srolôn cũng giống như kết cấu mái chùa truyền thống ở chùa Khmer khác. Có ba lớp mái dốc chồng lên nhau. Nhưng nét đặc trưng riêng của ngôi chùa Srolôn này là mái chùa không lợp bằng ngói mà được đúc liền bằng xi măng và cẩn toàn bộ bằng chất liệu gạch men loại nhỏ kết hợp với những mảnh chén, tô, dĩa kiểu vỡ giống như một tấm thảm nhiều màu sắc phơi mình giữa bầu trời. Mái trên cùng cao lên không tạo thành hình tam giác cân, góc trên luôn luôn nhỏ hơn hai góc nằm còn lại, đỉnh mái hai bên luôn nhỏ ra ngoài uốn cong như đuôi rồng cao vút lên trên tạo sự nhẹ nhàng cho mái chùa hay xem như là tính âm dương trong nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer.

     Kết thúc từng cấp mái được trang trí hoa văn bằng chất liệu gạch men loại nhỏ kết hợp với những mảnh chén, tô, dĩa kiểu trang trí cao, thấp, dày, thưa, bao quanh cả bốn cạnh, kết hợp với diềm mái từng lớp bằng thân rắn Nagar như bò từ trên trời xuống rồi ngóc đầu lên, vừa tạo sự nhẹ nhàng cho mái, vừa là viên gạch kết nối giữa ba lớp mái, tạo thành một khối như biệt lập, cách xa với tháp nhỏ đặt giữa đỉnh mái tượng trưng cho niết bàn cao xa vời vợi, nhưng lại rất gần gũi với trần gian. Hơn nữa bởi sự kết nối liên tiếp bằng thần rắn cách điệu thành Era (rồng con) uốn cong, hay bằng tượng Keynor mềm mại uyển chuyển, đứng ở phần gần đầu cột, tựa lưng vào cột, thân uốn cong đưa hai cánh tay mềm dẻo chống đỡ mái chùa, đôi mắt nhìn xuống cùng với nụ cười duyên dáng, làm cho người chiêm ngưỡng không bị nặng nề bởi khối mái khổng lồ, đồng thời cũng không kém sức thu hút bởi dáng mềm mại, nụ cười quyến rũ chứa đầy niềm hy vọng.

     Ngôi chánh điện chùa Srolôn được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng có thể nói có một không hai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Ngôi chánh điện vừa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của người Khmer, vừa có sự giao thoa văn hóa kiến trúc của dân tộc Kinh - Hoa. Qua đó, chúng ta có thể thấy được nét tinh xảo qua bàn tay điêu luyện, óc sáng tạo, trí thông minh của vị Hòa thượng Tăng Dúch, các nghệ nhân đã góp phần xây dựng lên ngôi chùa này.

     Ngoài chánh điện, chùa còn có nhiều công trình kiến trúc khác như: nhà sala, thư viện, nhà tam bảo, nhà ở của sư, nhà bếp, trại để ghe Ngo, 04 tượng Phật lớn lộ thiên, khu vườn Lâm Tỳ Ni, 01 lò thiêu và 102 ngôi tháp lớn nhỏ,…

     Nhà sala chùa là nơi cúng kiếng của sư sãi, Phật tử. Hiện có hơn 100 tượng Phật lớn nhỏ, làm bằng nhiều chất liệu khác nhau đặt trong các tủ bảo quản của chùa. Riêng tại bệ thờ có 15 tượng Phật Thích Ca, trong đó có một tượng Phật được làm bằng chất liệu bạc có chiều cao khoảng 1,2m, rộng 60cm, nặng 150 kg. Trên vai và mắt của tượng Phật này được đính kim cương.

     Bên cạnh nét kiến trúc và cách trang trí mới lạ, ngôi chùa còn hấp dẫn du khách bởi một bộ sưu tập đồ gỗ gia đình hiếm có, được chạm, khắc rất công phu. Năm 1948, nhà chùa mua lại số đồ này với giá bằng 2000 giạ lúa, trong phần gia sản của công tử Bạc Liêu. Bộ sưu tập này gồm hai chiếc giường ngủ và một bộ trường kỹ rất đặc biệt. Một chiếc giường dành cho mùa đông, có nghĩa là ấm áp khi đông về. Và một chiếc giường dành cho mùa hè, dĩ nhiên là mát rượi lúc hè đến. Hai chiếc giường này có kích cỡ như nhau dài khoảng 2,2m, rộng 1,6m và cao 0,6m, có khung để mắc mùng cao khoảng 1,8m đều được cẩn xà cừ hình cỏ cây hoa lá, chim muông,... Đáng kể nhất là bộ trường kỷ dài 2m, rộng 0,6m dưới ghế ngồi có cẩn vân cẩm thạch, thiết kế theo lối kiến trúc phương Đông khoảng giữa thập niên 50 của thế kỷ XX. Đây được xem là món cổ vật quý nhất của ông Hội đồng Trạch, cha của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Nguồn gốc của bộ cổ vật này làm tăng sự hứng thú cho nhiều người muốn khám phá, có người đã trả 100 lượng vàng nhưng nhà chùa không bán. Viếng chùa Srolôn, du khách không nên bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng bộ cổ vật quý giá này.

     Nhà tam bảo được vị Hòa thượng Quách Mến cho xây dựng vào năm 1999, trong tháp có hai Kim quan của hai vị Hòa thượng có công xây dựng chùa: Hòa thượng Tăng Dúch và Hòa thượng Quách Mến. Hai bộ Kim quan này có hoa văn rất sắc nét mang đậm nét nghệ thuật trang trí truyền thống của người Khmer.

     Thư viện của chùa là nơi để kinh, sách quý có niên đại từ rất lâu đời.

     Đặc biệt, chùa Srolôn còn phát triển nghề điêu khắc gỗ. Từ những gốc cây cổ thụ, các vị sư đã được học nghề thủ công truyền thống, đã dùng dụng cụ thủ công và bằng đôi bàn tay khéo léo đã kiên trì chế tác nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Các vị sư trong chùa vừa học giáo lý Phật pháp vừa có thêm một nghề để lo cho tương lai và ổn định cuộc sống sau này. Mỗi học viên chỉ mất khoảng 2 năm chuyên tâm học tập là có thể thành thạo nghề. Tùy theo từng loại sản phẩm lớn hay nhỏ, mô hình đơn giản hay phức tạp thì thời gian chế tác khác nhau thường ít nhất là 1 - 2 tuần, lâu nhất đến cả hơn 1 năm,... Các tác phẩm điêu khắc đều mang nét văn hóa gắn với chùa chiền, đời sống sinh hoạt của các dân tộc tại Sóc Trăng như: những bức phù điêu, hoa văn Khmer, 12 con giáp, tứ hùng, tứ linh,... Ban đầu, các vị sư được dạy khắc những con vật đơn giản như chim, cò, 12 con giáp,... Còn muốn đạt được những kỹ thuật cao, tác phẩm có độ tinh xảo, thẩm mỹ thì phải học xuyên suốt trong vòng 3 năm. Để cho ra những tác phẩm đẹp và sắc xảo, người học phải có lòng đam mê, sự tỉ mỉ và cái duyên với nghề mới có thể học, mới phát triển được khả năng của mình. Bên cạnh nét đẹp về mặt thẩm mỹ tác phẩm cần phải có độ bền, nên đòi hỏi chất lượng của rễ cây cũng cần được tuyển chọn kỹ lưỡng về độ dẻo, dai, chống chịu được côn trùng, những gốc thường được chọn như cây vú sữa, dầu, sao,... Trong quá trình tạo dáng, cần giữ nguyên nét hoang sơ đầy ấn tượng vốn có của mỗi gốc cây, lưu giữ được cái hồn của bộ rễ như màu sắc, độ cong, sự đan chéo nhau, để tác phẩm tạo ra vừa chân thật vừa trừu tượng biến hóa. Đây là những sản phẩm tinh thần của đồng bào Khmer đang dần phục dựng phục vụ cho du khách tham quan có thể chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm.

     Ngoài ra, từ lâu tại chùa đã tồn tại hoạt động mua bán tự phát của người dân quanh vùng bán các sản phẩm như rau củ quả, đồ ăn, uống phục vụ du khách. Từ vài hộ ban đầu, nay đã có trên 100 hộ mua bán nơi đây, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp vừa giải quyết nhu cầu bán nông sản địa phương vừa phục vụ du khách. Để sắp xếp lại nơi mua bán và bãi đỗ xe phục vụ cho du khách, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định chấp thuận cho Công ty Cổ phần Quốc tế Satraco lập thủ tục đầu tư khu dịch vụ, bãi đỗ xe cạnh chùa Chén Kiểu với diện tích 01 ha. Khi dự án được hoàn thành sẽ đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự mua bán, không làm ảnh hưởng đến vẽ mỹ quan, trang nghiêm, đảm bảo sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của các vị sư và Phật tử, phục vụ cho du khách tham quan, mua sắm được dễ dàng, thuận tiện hơn.

     Với những công trình, kiến trúc độc đáo và sáng tạo, chùa Srolôn đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và ngày càng thu hút lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan./.

 

Tài liệu tham khảo:

[1]. Lý lịch di tích chùa Srolôn của Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng.

[2]. Khảo sát thực tế và lời kể của các vị sư.

[3]. Tư liệu ghi chép tại chùa Srolôn.

[4]. Tham khảo một số trang web du lịch. 

Trịnh Thị Trúc Linh

Review and Evaluation


Alls
(From total review)

Lịch trình mẫu

Lưu trú

Ẩm thực

Điểm đến

Giải trí