BÁNH TÊN - NUM CH' MOS, NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA ẨM THỰC LÀNG QUÊ BƯNG TRIẾT

21/08/2023 282 0

 Trong đời sống hằng ngày của người dân Nam bộ nói chung, đồng bào Khmer nói riêng, ăn uống là một nhu cầu "Có thực mới vực được đạo". Với tính cách cần cù chăm chỉ cùng sự đảm đang, sáng tạo bà con Khmer ở Sóc Trăng đã thường xuyên làm ra nhiều loại bánh ngon làm lễ vật trong mọi lễ tết, mục đích trang trọng, thiết thực "Trước cúng sau ăn", bánh Tên (Num Ch'mos) luôn chứa đựng phong phú các loại sản vật, chan hòa chất liệu màu sắc, đậm đà hương vị thiên nhiên, là lễ vật quan trọng để dâng cúng thần linh, ông bà như một cách để bày tỏ lòng thành kính, sự tri ân của con cháu trong dịp lễ tết của bà con Khmer tại đây.

Bánh Tên (Num Ch'mos)

     Cách đây gần chục năm, tôi được em gái họ dẫn đến chơi bên nhà chồng em ấy tại ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề nhân dịp lễ Sene Đôn Ta. Tại đây tôi có vài ngày trải nghiệm cùng đồng bào Khmer như đi lễ chùa Bâng Phniết, tham gia một số nghi thức lễ Sene Đôn Ta như Lễ đặt cơm vắt (Bos Bai Ben), lễ cúng ông bà (Sene Đôn Ta), lễ rước ông bà (Phchum Ben) và lễ đưa tiễn ông bà (chun Đôn Ta). Chuyến đi để lại trong tôi nhiều cảm xúc, kỷ niệm đẹp về vùng đất đậm nét văn hóa đặc trưng với hơn 90% người dân tộc Khmer, ai ai cũng hiền hòa hiếu khách, phụ nữ thì đảm đang, hăng say lao động, chăm chỉ biết làm nhiều loại bánh dân gian như bánh gừng, bánh rế, bánh kà tum để dâng cúng ông bà tổ tiên. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết đến một loại bánh đặc trưng vùng miền mang tên Num Ch'mos, còn gọi là bánh Tên, nhìn đơn giản nhưng tốn rất nhiều công sức như ngâm, xay, tán, nhồi trộn, ngào, xào, nặn, chiên.

        Nhớ lại, lúc đó khi tôi đến chơi là khoảng hơn 10 giờ trưa, mọi người trong gia đình ai cũng lúi húi bày biện vật phẩm cúng trên bàn thờ gia tiên. Tôi ấn tượng và dừng mắt thật lâu trước một đĩa bánh lạ làm bằng gạo nếp chiên dạng viên tròn màu tím, vàng, đỏ bắt mắt chất chồng lên nhau như quả trứng trong tổ chim, xen lẫn giữa các loại bánh quai vạc, bông lan, bánh gừng. Thấy tôi đặc biệt quan tâm đến bánh này, cúng xong, bác sui gái liền lấy một cái mời tôi. Ôi bánh Tên khi đó ngon làm sao, sự giòn phau của nếp trộn hột gà hòa quyện với cái béo bùi ngọt ngào của nhân đậu xanh, đậu phộng, đường, dừa, phảng phất hương thơm của mè, vị tươm ra đầu lưỡi. Không hiểu sao khi đó do bánh ngon quá hay vì đang quá đói mà tôi lại ăn thêm một cái nữa. Tôi để ý những người đàn ông và trẻ nhỏ trong gia đình cũng đặc biệt thích bánh này giống như tôi, chỉ một loáng sau là bánh hết sạch.

        Biết tôi thích ăn bánh Tên, đứa em gái nói nhỏ, mai gia đình sẽ làm thêm các loại bánh mang đi cúng chùa, có cả bánh Tên nữa. Đúng vậy qua ngày hôm sau, trời mới rạng đông, bác sui gái và những người phụ nữ trong gia đình thức dậy sớm làm bánh. Bác kể bánh Tên có từ hơn 50 năm, do mẹ bác truyền lại, trước đây có nhiều nơi làm bánh này như huyện Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu. Gạo nếp được ngâm và xay bằng cối đá, để bánh giòn lâu không mềm, ta cho ít khoai lang đã gọt vỏ vào xay chung với nếp; bột xay cho vào túi vải lược dằn những tấm thớt nặng để ráo nước, sau đó để ít muối trộn trứng hột gà, nhào cho dẻo để nặn. Dừa khô được nạo bằng tay, lá cẩm, lá dứa nghệ, trái gấc, củ dền hái, đào sẵn trong vườn dưới ruộng, vắt nước trộn vào. Nay thì đã có bột và màu pha sẵn.

        Đậu xanh được bác ngâm qua đêm trong nước khoảng 6 đến 8 giờ cho hạt đậu hút mềm, cho thêm chút muối để hạn chế vi khuẩn lên men làm chua đậu; nấu đậu với nước cốt dừa, lượng nước vừa phải không ít, không nhiều để đậu không quá khô hay quá nhão sao cho không có mùi khê khét, để đậu nguội vo lại thành viên nhỏ; đường, dừa nạo, đậu phộng mè đem xào chung trên lửa nhỏ… để làm nhân. Bột ép thành miếng mỏng cho nhân vào giữa rồi bao vo tròn lại, cho vào chảo chiên. Ngồi nghe bác kể cách làm bánh giữa âm thanh xèo xèo phát ra từ chảo dầu bắn tung tóe mà mồ hôi trên mặt tôi túa ra vì sức nóng của lửa hất, khóe mắt cay vì khói, bác sui thấy thế bảo tôi lên nhà trên đợi, khi nào chuẩn bị cúng bác sẽ nhờ phụ, để đó mọi người chiên thêm một lát để bánh chín vàng.

        Chưa đến nửa giờ sau, tôi đã thấy em gái tôi khệ nệ bước ra, hai tay cầm hai dĩa bánh, mùi thơm ngào ngạt của nếp mới chiên tỏa ra khắp căn phòng, bỗng dưng bụng tôi thấy đói cồn cào. Những ngày đến chơi ở đây tôi đã được hai lần thưởng thức bánh Tên, hương vị của nó khiến tôi nhớ mãi. Giờ đây tôi ước một lần được ăn lại nó, vì chợ thành phố Sóc Trăng không có ai bán, về huyện Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu hỏi thì bánh Tên chỉ còn lại trong trí nhớ của nhiều người. Một điều thật đáng mừng là gia đình bên chồng của em gái tôi ở Bưng Triết vẫn còn lưu giữ loại bánh này. Bởi có vị ngọt của đường và dừa, vị bùi của đậu, nên đồng bào Khmer tại Bưng Triết thường đãi nhau ăn bánh Tên để cầu mong thuận lợi, may mắn. Công thức làm bánh của gia đình cứ thế mà truyền qua nhiều thế hệ, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa cho làng quê phum sóc./.

Thanh Tú

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu