Giá: Miễn phí
Số điện thoại:
Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút
Mở cửa: 7:00 SA - Đóng cửa: 6:00 CH
Email: xtdulichsoctrang@gmail.com
Địa chỉ: Xã Gia Hòa 1, Huyện Mỹ Xuyên, Tỉnh Sóc Trăng
Kỳ 1: Hoang sơ vườn cò Sáu Xom
Theo Quốc lộ 1A về hướng Bạc Liêu, qua khỏi cầu Nhu Gia, chúng tôi rẽ trái vào Tỉnh lộ 940 rồi Huyện lộ 52 để tìm đến Vườn cò Sáu Xom (ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa 1, Mỹ Xuyên). Tuy từ quốc lộ, đến tỉnh lộ rồi huyện lộ nhưng tìm đến vườn cò này cũng không khó, đoạn đường cũng chỉ tầm hơn 1 km từ Tỉnh lộ 940 vào. Vườn cò Sáu Xom hiện vẫn trong tình trạng còn khá hoang sơ dù đã hình thành từ cách đây hơn 100 năm.
Đàn cò bay về vườn vào lúc xế chiều.
Bức tranh “từ độ mang gươm đi mở cõi”
Ông Lâm Văn Huy - Chủ vườn cò cho biết: “Vườn cò này tôi được thừa kế từ ba tôi. Sáu Xom là tên ba tôi nên người trong vùng vẫn quen gọi là vườn cò Sáu Xom chứ nghe ông bà kể lại vườn nhà tôi đã có cò và các loại chim khác đến sinh sống từ thời ông nội tôi là ông Lâm Văn Ịch”.
Đến gần vườn cò, chúng ta đã có thể nghe thấy tiếng kêu của đủ loại chim. Tuy liên tục và ồn ã nhưng cường độ âm thanh không lớn đến mức khó chịu. Bước qua chiếc cầu bắc ngang con kênh trước khu vườn, dễ làm cho người ta có cảm giác như bước vào một thế giới khác - nơi mà con người và thiên nhiên sống dung hòa với nhau. Dạo trên con đường đal lượn vòng quanh vườn cò, những con cò, vạc, cồng cộc… ẩn hiện trên những tán cây chỉ cách chúng ta chừng vài mươi mét. Có lẽ, đó cũng là khoảng cách an toàn đối với chúng nên chẳng có con chim nào buồn bay lên trước sự xuất hiện của những kẻ xâm nhập vào thế giới riêng của chúng - con người. Khung cảnh nên thơ đó bỗng làm tôi nhớ đến 2 câu thơ tuyệt tác của nhà cách mạng Huỳnh Văn Nghệ trong bài thơ Nhớ Bắc: Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long… Vâng, có lẽ khi những lưu dân đầu tiên từ Bắc, từ Trung vào đến xứ Tây Nam bộ này, khung cảnh những bậc tiền nhân ấy trông thấy cũng không khác mấy so với những gì mà kẻ hậu thế chúng ta có thể thấy và cảm nhận lúc này đây.
Các loài chim và tập tính sống
Chúng tôi muốn đi sâu hơn vào trong vườn để được “thấy tận mắt, sờ tận tay” nhưng cây cối mọc khá dày và tuy nhìn thì thấy gần nhưng lũ chim cũng đậu trên những tầng cành, nhánh cây khá cao nên chỉ có thể đứng ngắm nhìn chúng từ xa. Ông Nguyễn Thành Đấu - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Nhân dân ấp Trung Hòa cũng là một người đã nhiều năm gắn bó với vườn cò này cho biết ngoài 6 loại cò (ngà, lỡ, trắng, trâu, ma, mỏ vàng ăn ruồi), vườn cò còn có nhiều giống chim khác, như: diệc, quắm đen, vạc, cồng cộc, điên điển, bạc má và bầy sáo hiện đã lên đến hàng ngàn con. Ước tính tổng số con của tất cả giống chim tại đây có lẽ phải lên đến hàng vạn con. Số lượng đông là vậy nhưng các giống chim lại sống khá hòa thuận với nhau, cũng theo ông Đấu, chỉ có loài quắm đen về thường phá ổ các giống chim khác chứ ngoài ra không có hiện tượng đấu tranh sinh tồn giữa các loài chim này. Thậm chí, tập tính sinh hoạt của chúng cũng không giống nhau nên khi bay đi tìm thức ăn cũng rất trật tự. Buổi sáng, cứ khoảng 6 giờ là các giống cò bắt đầu bay đi kiếm ăn, sau đó khoảng nửa giờ mới đến cồng cộc. Khoảng 5 giờ chiều, các giống chim ăn ngày bắt đầu trở về thì 6 giờ chiều, loài vạc mới bắt đầu bay đi kiếm ăn.
Giải thích tập quán sống của các loài chim, người trong vùng vẫn hay kể nhau nghe câu chuyện về cuộc đánh bạc của các loài chim mà chúng tôi xin kể vắn tắt sau đây để hầu độc giả. Xưa các loài chim sống hòa thuận với nhau và có đồng ruộng riêng. Một ngày nọ, chúng rủ nhau đánh bạc và mời chuột làm trọng tài. Trận đó, cò thắng lớn, lại thông đồng với chuột nên các loài chim khác thua phải gán tất cả ruộng đồng cho cò. Còn vạc chỉ thua có ba mươi quan. Nhưng khi nhờ chuột làm giấy hộ, chuột đã viết con số ba thành con số chín. Cho nên cuối cùng vạc cũng mất hết phần ruộng đồng của mình cho cò. Nhưng vạc vốn không sợ cò nên không kiếm ăn công khai thì vạc lại kiếm ăn lẩn lút trên đồng ruộng của cò. Đêm đến, chờ khi cò về nhà nghỉ ngơi, vạc mới mò ra đồng ăn trộm con tôm cái tép, nhờ thế cũng đủ sống qua ngày. Từ đó, dòng dõi vạc chờ lúc tắt mặt trời mới rúc ra khỏi bụi tre và kêu luôn mồm: “Thua một vác! Thua một vác!”. Trời chưa sáng, chúng nó đã lò mò về tổ, chỉ sợ dòng dõi nhà cò bắt gặp. Dòng dõi chuột ngày nay sống trốn tránh lẩn lút chỉ sợ con cháu vạc và các loài chim khác báo thù, miệng vẫn kêu mấy tiếng: “Chín chục! Chín chục!”. Ca dao Việt Nam có câu: “Con vạc bán ruộng cho cò/ Cho nên vạc phải ăn mò cả đêm” là lẽ đó vậy.
Nơi “đất lành chim đậu”
Theo quan điểm dân gian “đất lành, chim đậu” nên gia đình ông Huy từ đời ông nội đến nay đều cố gắng giữ gìn vườn cò này. Khu vườn nhà ông Huy có diện tích hơn 3,7 ha. Các loài chim sống tập trung ở trung tâm của vườn và hiện nay đang dần mở rộng ra các khu vực xung quanh và đang có xu hướng lan sang các khu vườn lân cận. Có được kết quả này phần lớn là nhờ sự nỗ lực của Chi bộ ấp Trung Hòa. Từ khi có chủ trương đầu tư Vườn cò Sáu Xom trở thành Dự án Khu du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng của UBND huyện Mỹ Xuyên, hàng ngày, Chi bộ ấp đều cử 2 đồng chí đảng viên tại chi bộ hỗ trợ gia đình ông Huy giữ vườn.
Ông Đấu còn cho biết ngày xưa, vườn cò này có diện tích lớn hiện nay rất nhiều, các loài chim thậm chí sinh sản ra đến tận nhà ông cách đó khoảng 500m. Thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, vườn cò có thời điểm kéo dài trên 1km, chiều ngang cũng khoảng 300m. Trong những năm chiến tranh ác liệt, địch rải thuốc diệt thực vật nên cây cối giảm sút, đàn chim vì vậy mà bỏ đi hết. Khi hòa bình lập lại, ông Sáu Xom hằng ngày ra thắp nhang tại miếu bà Chúa Xứ trong khuôn viên vườn khấn vái xin cho đàn chim trở về với vườn. Cứ như vậy ròng rã một năm, bước sang năm 1976, các loài chim bắt đầu trở về vườn sinh sống cho đến tận bây giờ.
ANH THỤY
Khoảng cách: 4,39 km
Khoảng cách: 6,47 km
Khoảng cách: 13,36 km
Khoảng cách: 6,24 km
Khoảng cách: 19,97 km
Khoảng cách: 0 m
Khoảng cách: 3,10 km
Khoảng cách: 10,04 km
Khoảng cách: 13,13 km
Khoảng cách: 13,78 km
Khoảng cách: 16,19 km
Khoảng cách: 18,88 km
Khoảng cách: 19,25 km
Khoảng cách: 19,55 km
Khoảng cách: 19,58 km