ẨM THỰC NGÀY TẾT: CANH KHỔ QUA

21/02/2023 668 0

 Năm nào cũng vậy, khi những cơn mưa bắt đầu thưa dần thì cũng là lúc người nông dân quê tôi bước vào mùa rẫy Tết, một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tự cung, tự cấp của cư dân miền sông nước trước kia, tồn tại cho đến ngày nay, phần nhiều ở vùng nông thôn mỗi độ xuân về.

     Còn khoảng vài tháng trước tết, khi về các vùng nông thôn ở thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị mỗi người sẽ bắt gặp hình ảnh những liếp dưa, cải xanh tươi mơn mởn trãi dọc ngang khắp nẽo đường quê. Người nông dân mỗi buổi chiều thong dong trên bờ đê quay gánh thùng tưới nước. Để có thực phẩm tươi cho những ngày Tết, bà con nông dân dành một khoảnh đất nhỏ để trồng các loại hoa màu khác nhau, đó là một vài bờ mẫu quanh ruộng lúa, những gò đất giữa đồng, một khoảng không gian nhỏ trước sân nhà, sau vườn, thậm chí nếu không còn chỗ trống, mọi người còn tận dụng cả chiếc xuồng hư, bao nilon để làm nơi xuất hiện rẫy Tết. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi về nông thôn vào những ngày cận Tết, đâu đâu cũng thấy rấy Tết xuất hiện với đủ mọi màu sắc xanh tươi đầy sức sống.

Canh khổ qua

     Trái khổ qua là một trong những loại hoa màu không thể thiếu của rẫy Tết. Khổ qua còn được gọi là hủ qua, mướp đắng. Nhưng ở Sóc Trăng quê tôi, người ta luôn gọi nó bằng cái tên mang ý nghĩa tâm linh là khổ qua. Bởi vậy hầu như nhà nào cũng phải chuẩn bị một nồi canh khổ qua hầm trong những ngày cuối năm để cầu mong cái khổ qua đi, hạnh phúc viên mãn, tràn đầy sẽ đến.

Tết ơi Tết à!

Bánh mứt dưa cà, thêm câu đối đỏ

Vui bầy em nhỏ, quấn quýt cả nhà

Trăm sự khổ qua, vận may đang đến.

     Tuy vậy, đây là một loại hoa màu hay bị sâu đục trái, không dễ trồng. Để có những trái khổ qua xanh, mướt, người nông dân thường trồng vài chục dây trên một liếp đất đã được đắp cao. Để khổ qua cho nhiều trái, họ cắm những nhánh chà, trâm bầu hoặc tre để dây khổ qua bám vào. Khi dây khổ qua vừa nhú cho trái, mọi người sẽ dùng bọc nilon để bao trái chống sâu đục khoét.

     Đặc trưng của loại quả này là có vị đắng hậu ngọt tự nhiên. Mà vị đắng hòa với ngọt sẽ làm cho vị càng thêm đắng nên trong khi chế biến ta lưu ý là tuyệt nhiên không dùng đường.

Giàn khổ qua

     Khổ qua lựa trái ngắn 15 cm nở gai, cắt làm 2 khúc, bỏ ruột. Cá thát lát lựa cá tươi trong vừa mới cạo. Để thịt cá không bị dai, ta trộn thêm một phần thịt heo nạc sườn dây ít mỡ băm nhuyễn, ướp hành tỏi phi vàng bột ngọt, muối tàu vị yểu trộn chung lại với nhau, để ngoài khoảng 10 phút rồi dồn vào khổ qua. Sau đó bắc nước lên bếp, để ít muối, bột ngọt. Khi nước sôi lên, cho khổ qua đã dồn thịt trước đó vào, rưới một ít nước mắm,  rồi vớt lấy những lớp bọt khí nổi lên để cho nước trong. Nấu thêm khoảng 20 phút là có thể đem xuống cho hành lá, ngò tiêu vào. Thế là chúng ta đã có một nồi canh thơm lừng với màu xanh trong bắt mắt, hội đủ vị thanh đắng của khổ qua, cay nồng của tiêu, ngọt đậm đà của nước canh quyện với cá thát lát, thịt sườn dây.

     Mang cái tên đầy ý nghĩa, loại quả này đã được mọi người trân quý đem dâng lên cùng mâm cơm cúng tổ tiên vào ngày 30 tết. Có lẽ vì những lý do giá trị  đó mà khổ qua quê tôi luôn đắt hàng vào những tháng cuối năm, mang nhiều thu nhập cho người làm rẫy./.

               Thanh Tú

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu