BÁNH IN CỔ CÒ SÓC TRĂNG

20/02/2023 452 0

Địa danh Cổ Cò từ lâu đã gắn liền với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Sóc Trăng, xưa thuộc xã Hòa Tú, nay thuộc xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên. Tên gọi Cổ Cò được truyền thuyết kể lại rằng, là do dải đất ven sông Mỹ Thanh dài và cong giống y như cổ con cò, nên gọi là Cổ Cò. Theo thời gian, Cổ Cò dần đổi thay,đời sống kinh tế người dân đa dạng và sầm uất hơn. Đặc biệt, Cổ Cò còn là nơi khởi nguồn của làng nghề làm bánh in chứ danh ở Mỹ Xuyên.

Toàn huyện có 11 cơ sở sản xuất bánh in với sản lượng trung bình khoảng 73 tấn/1 năm, riêng tại khu vực Cổ Cò, nghề bánh in có từ trước năm 1975, đến nay đã truyền đến đời thứ 2, thứ 3.  Bánh in Cổ Cò được các cơ sở sản xuất quanh năm tuy nhiên cao điểm nhất là vào dịp Tết Trung Thu. Những cơ sở bánh in Cổ Cò nổi danh như Tư Hồng; Thanh Tâm; Đông Châu; Thanh Thu; Thái Ngân... các cơ sở sản xuất đều luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm góp phần giữ gìn thương hiệu bánh truyền thống để cho ra đời các loại bánh có hương vị và chất lượng như nhau.

Bánh in Tư Hồng

Bánh in Cổ Cò được sản xuất theo lối truyền thống, không sử dụng chất bảo quản, nên hạn sử dụng chỉ khoảng 10-15 ngày, chín vụ làm các loại bánh thường bắt đầu vào dịp bánh dịp Trung Thu, khoảng từ giữa đến cuối tháng 7 âm lịch. Nguyên liệu chính làm bánh in Cổ Cò là từ bột nếp rang, đậu xanh và đường cát được đúc trong những khuôn gỗ có hình rất đẹp mắt và tinh xảo. Nhân bánh in đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng là nhân sầu riêng và nhân đậu xanh. Người thợ làm bánh rất khéo léo, tỉ mỉ đầu tiên họ đổ một lớp bột mỏng vào khuôn, cán đều bột ra rồi cho nhân vào cán đều, tiếp tục cho thêm một lớp bột phía trên cùng, để nhân bánh được bao bọc bên ngoài hoàn toàn bằng bột. Sau đó, bánh được nén chặt lại, tuy nhiên không được quá mạnh, bánh sẽ bị cứng, mất ngon, còn nén nhẹ quá bánh sẽ bị bở, không có độ kết dính, khi đóng gói dễ bị vỡ. Sau cùng, người thợ lật ngược khuôn bánh, gõ nhẹ cho bánh rớt ra khỏi khuôn, rắc thêm ít bột để các chiếc bánh không dính vào nhau rồi cho vào lò nướng lại.

Mâm cỗ trong ngày tết Trung thu

Trước sự cạnh tranh của các cơ sở sản xuất bánh in công nghiệp, để cải tiến kỹ thuật phù hợp với thị trường tiêu thụ, ngày nay người làm bánh in Cổ Cò đang từng bước hiện đại hóa sản xuất, từ các công đoạn hấp đậu, trộn nhân cho đến cán bột đều đã được máy móc hóa, vừa giảm thiểu số lượng nhân công vừa tăng số lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ còn khâu in bánh là vẫn giữ nguyên cách làm thủ công, để đảm đảo độ mềm, xốp, dẻo của bánh. Hương vị bánh in Cổ Cò vốn rất riêng vốn có từ bao đời nay, đều nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện và sự đam mê, yêu nghề của các người thợ. Đồng thời, bánh in Cổ Cò dần được đa dạng hóa và hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về kích cỡ, mẫu mã, nhiều chủng loại như bánh in trắng; bánh in vàng, bánh in nhân đậu xanh sầu riêng, bánh in nhân khoai môn, bánh in cacao đậu xanh…Bánh in Cổ Cò không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn xa ở một số địa phương khác như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai...

Một trong những lò bánh có tiếng là bánh in Cổ Cò Tư Hồng, được truyền từ thời ông bà và bắt đầu phát triển thương hiệu từ năm 1996 do anh Đỗ Anh Thủ làm chủ cơ sở, tọa lạc tại số 298 tỉnh lộ 936, ấp Cổ Cò, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên. Đến nay, cơ sở đã có 3 trong số 9 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, gồm bánh in nhân đậu xanh sầu riêng trứng muối; bánh in nhân môn và bánh in cacao nhân đậu xanh.

Xa quê, thưởng thức chiếc bánh in Cổ Cò có mùi vị thơm lừng của hương nếp, tơi, xốp, hòa quyện hương vị sầu riêng thật ngọt ngào. Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều loại bánh ngon đủ vị, đủ màu sắc, xong bánh in Cổ Cò vẫn giữ nguyên hương vị vẫn chinh phục được người tiêu dùng có lẽ bởi đó là sản phẩm chứa cả cái hồn quê trong đó. Về Mỹ Xuyên không chỉ để nghe kể cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ hào hùng mà còn được trải nghiệm với nghề làm bánh in Cổ Cò đầy hấp dẫn, kỳ thú, thưởng thức vị bánh in đậm đà bình dị, đầy ấm cúng trong ngày tết đoàn viên.

Tân Trang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu