BÔNG HẸ - ĐẶC SẢN HUYỆN VĨNH CHÂU, SÓC TRĂNG

20/02/2023 229 0

 Với lợi thế là vùng đất giồng cát, ven biển, huyện Vĩnh Châu rất thuận lợi trong việc nuôi, trồng thủy hải sản và làm rẫy.

     Về đặc sản vùng này, được nhiều du khách biết đến như: nhãn, củ hành tím, xá pấu mặn – ngọt, bông hành tím,… và bông hẹ lại là loại rau màu mang lại thu nhập khá ổn định, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Bông hẹ xào tép

     Cây hẹ được trồng quanh năm, nhưng cho năng suất cao nhất là vào đầu mùa mưa, vì nước càng nhiều thì cây hẹ cho bông nhiều, lá càng xanh tốt, trổ đều hơn so với mùa nắng. Kỹ thuật trồng cây hẹ cũng cần được chú ý là trồng trên luống cao, tránh ngập úng gốc. Người trồng hẹ cũng phải xác định là họ cần thu hoạch lá hẹ hay bông hẹ, để có cách chăm sóc phù hợp. Từ khi trồng cho đến thu hoạch là mất khoảng 2,5 tháng, nếu trồng lấy bông hẹ thì đợi thêm khoảng 5 ngày sau là cắt 1 đợt bông. Với giá thị trường mỗi kg bông hẹ là trên 10.000 đồng và giá bán trong mùa nắng cao gấp 2 - 3 lần so với mùa mưa, nên nhiều hộ dân đã chọn trồng bông hẹ vì đem lợi nhuận cao hơn, còn giá lá hẹ chỉ khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg.

     Bông hẹ thường được chế biến thành món xào, dùng khá phổ biến trong bữa cơm gia đình, quán ăn và nhà hàng. Thông thường bông hẹ được dùng xào chung với các loại thịt, cá, nhưng ngon nhất và chế biến nhanh nhất vẫn là chọn xào chung với mực, tôm hay thịt bò. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận vị ngọt thanh và giòn, tạo vị giác hấp dẫn, ngon miệng.  

     Bông hẹ được bày bán nhiều nơi trong chợ thuộc các huyện, thành phố Sóc Trăng và tại điểm tham quan du lịch chùa Chén Kiểu ./.

Khả Vy

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu