SẢN PHẨM NƯỚC CỐT BẦN TẠI CÙ LAO DUNG

20/02/2023 210 0

 Cù Lao Dung là một huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng, nằm giữa sông Hậu do nhiều cồn tạo thành. Ngoài những hàng bần mọc cặp theo bờ sông Hậu, Cù Lao Dung còn có hơn 1.200ha rừng bần phòng hộ tập trung ở tuyến đuôi cồn thuộc xã An Thạnh 3, An Thạnh Nam giáp biển Đông. Cây bần dùng để phòng hộ, còn trái bần làm chất chua cho món ăn đặc trưng xứ cù lao như canh chua cá bông lau hay cá ngát nấu bần. Ở đây, còn có nghề câu cá bông lau biển với mồi câu chủ yếu từ bông bần và những trái bần chín, sẽ  hấp dẫn và thú vị khi chúng ta có dịp cùng ngư dân ra sông câu cá.

           Mùa bần chín rộ vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch, khi chín có vị chua, mùi thơm, hậu ngọt đặc trưng, được dùng làm chất chua để chế biến thành nhiều món ăn. Tuy nhiên, trái bần chín vốn rất khó bảo quản lâu do dễ lên men và không vận chuyển đi xa được. Vì thế, nhằm đáp ứng thị hiếu sử dụng chất liệu bần chín quanh năm cho thực khách, cơ sở Ngọc Hồng tại thị trấn Cù Lao Dung đã khai thác và sản xuất sản phẩm nước cốt bần mang đậm hương vị tự nhiên này.

Trưng bày sản phẩm tại Ngày hội Sông nước miệt vườn huyện Kế Sách

           Công đoạn làm nước cốt bần cũng khá đơn giản. Trái bần chín khi thu mua về được rửa sạch, tách cuống và đem nấu, lượt bỏ hạt và nấu cô đặc lại với tỉ lệ muối phù hợp. Tỉ lệ này khá quan trọng vì nó quyết định độ thành công của sản phẩm, bởi vì nếu thiếu muối nước cốt bần sẽ bị lên men, dễ hư và nếu muối quá nhiều sẽ làm mất hương vị tự nhiên vốn có của bần. Sản phẩm nước cốt bần nếu bảo quản ở nhiệt độ thường sẽ giữ được trên 6 tháng, nếu để đông lạnh có thể lên đến 03 năm. Hiện nay, cơ sở nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp và Trung tâm Xúc tiến Thương mại về khâu quảng bá nên từng bước sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng hơn. Với gần 3 năm hoạt động, sản phẩm của cơ sở đã góp phần khai thác tốt tiềm năng sẵn có tại địa phương và giải quyết được việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.

            Có thể nói, với lợi thế diện tích rừng bần bạt ngàn, người dân Cù Lao Dung có thể khai thác, thu gom hàng trăm tấn bần chín mỗi năm để làm thành sản phẩm nước cốt bần, mỗi hộ dân ở ven rừng bần sẽ có thêm thu nhập tại chỗ. Trong thời gian tới, nếu có sự tăng cường và mở rộng về cơ sở, nâng cấp trang thiết bị, mẫu mã, cơ sở sản xuất nước cốt trái bần Ngọc Hồng sẽ thu hút ngày càng nhiều lượng tiêu thụ của thực khách. Hơn thế nữa, nếu cây bần mang lại lợi thế kinh tế cho người dân, việc bảo vệ giữ gìn và mở rộng diện tích bần sẽ được quan tâm, giúp bảo vệ môi trường sinh thái và hình thành nên thương hiệu đặc sản nước cốt bần đặc trưng cho vùng đất Cù Lao Dung./.

                                                                                                   Tân Trang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu